Kỉ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2014): “Đại gia” Lê Ân: Người bứt lên đỉnh cao từ những “nốt trầm”
Nếu ví cuộc sống như một bản nhạc, thì cuộc đời của đại gia Lê Ân là bản nhạc có quá nhiều nốt trầm, để từ đó ông bứt lên cao, rồi bị nhấn chìm và lại bứt lên cao… Nghe danh của ông đã lâu, báo chí cũng mất nhiều giấy mực viết về ông, nhìn nhận ông là người có nhiều cái nhất “có một không hai”: Chịu chơi nhất, lấy được vợ trẻ nhất, nhiều vợ nhất, bỏ nhiều tiền làm từ thiện nhất… Cũng có cả những thông tin không mấy hay ho về ông, những bình luận tréo ngoe mang tính chất “lá cải” để thu hút người đọc. Nhưng với tôi, ông là tổng hợp của nhiều cái lạ trong một con người. Phải thừa nhận rằng, những việc ông làm và đạt được không hề tầm thường, mà phải là người đầy bản lĩnh, thậm chí điềm tĩnh đến lạnh lùng mới vượt qua những cơn bão tố của cuộc đời.
May mắn được tiếp xúc với ông, được ngồi trước mặt Lê Ân bằng da, bằng thịt mới thấy hết những “dâu bể” trên con đường đời của ông còn như in hằn trên khuôn mặt, trong cách nói chuyện và phương châm sống của ông. Phía sau dáng hình nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi đến lạ kì là một tỉ phú mang tên đại gia Lê Ân. Ở ông luôn toát lên sức sống, niềm khát khao tự do và kinh doanh, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh của chính mình. “Mất để được” và “Danh tiếng tốt hơn tiền của nhiều” là hai câu được ông khắc lòng, tạc dạ. Ông nói, mình làm ra tiền nhưng phải biết chia sẻ cho những số phận bất hạnh. Chia sẻ nhưng lại được, đó là phúc đức cho con cháu sau này. Luôn làm điều tốt, để lại tiếng thơm cho đời, khi sống sao cho người nể phục, lúc nhắm mắt xuôi tay phải để người đời còn nhắc đến. Đó cũng là phương châm sống được ông đúc kết thành câu “Danh tiếng tốt hơn tiền của nhiều”.
“Đại gia” Lê Ân với người vợ trẻ Mai Mai.
Từng bị kết tội, ra cáo trạng với mức án “tử hình”, ông tâm sự: “Tôi đã từng không nghĩ rằng mình lại có ngày về. Khi được tha về, tôi cảm thấy quá tuyệt vời”. Câu chuyện của ông xoay quanh khoảnh khắc nghe người ta đọc cáo trạng, truy tố ông nhiều tội danh: “Cố ý làm trái”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Lập ngân hàng huy động vốn để lừa đảo” với tổng hình phạt là “tử hình”. Ông thừa nhận, sau khi nghe đọc cáo trạng, ông đã rụng rời chân tay phải mất nửa tiếng sau mới trấn tĩnh lại được. Từ đó, là chuỗi ngày ông kháng cáo và đưa các tài liệu, căn cứ chứng minh mình vô tội. Cuối cùng tất cả được rút xuống, ông chỉ bị xử về tội “Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”, chịu mức phạt tù 12 năm. Ông được đặc xá ra tù trước thời hạn vào ngày 31/8/2005. Từ đó, ông quyết tâm làm lại từ đầu và gây dựng được Khu du lịch Chí Linh rộng lớn và tuyệt đẹp ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ông cười bảo, cuộc đời ông là những chuỗi bị săn lùng, bắt bớ. Sống ở chế độ cũ, không biết bao nhiêu lần ông bị bắt rồi lại thoát trong gang tấc. Họ bắt ông vì ông trốn quân dịch và cả sự nghi ngờ ông là Trung tá Việt Cộng nằm vùng. Tình báo Mỹ quyết tâm bắt ông bằng được, từng dùng trực thăng vận vây bắt được ông tại Lại Khê – Bến Cát. Sau đó không tìm được chứng cứ để kết tội ông, nhà chức trách và quân đội Mỹ phải trả tự do cho ông tại quận Lộc Ninh. Ông trở lại Sài Gòn tiếp tục dựng nghiệp lớn và phất lên rất nhanh. Ông nói, những lần chế độ cũ vây bắt ông đếm không xuể.
Mộng mở ngân hàng tư nhân của ông bị phá sản cùng với sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Sau biến cố năm 1975, ông lại rơi vào cảnh trắng tay do các loại trái phiếu, công khố phiếu, chứng từ có giá… của chế độ cũ mà ông tích cóp được để chuẩn bị mở ngân hàng biến thành giấy lộn. Lại làm lại từ đầu, ông nghĩ ngay đến công việc thu gom phế liệu sau chiến tranh và hợp tác với một dược sĩ lập hệ thống thu gom thuốc tây, đặc biệt là các loại thuốc trị bệnh hiếm có. Cách kinh doanh khác người này giúp ông thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Ông tiếp tục đầu tư xưởng sản xuất xe đạp và nhà máy chế biến xà phòng, thành lập tiệm vàng Chiến Thành với giấy phép kinh doanh là gia công vàng nữ trang. Thế nhưng, ông lại bị bắt và phải cải tạo một thời gian vì bán vàng trái phép cho những người vượt biên thời đó.
Tiếp đến, khi Nhà nước thực hiện chủ trương cải tạo công thương nghiệp, gia đình ông bị buộc phải đi vùng kinh tế mới. Nhờ có bạn thân giúp đỡ, ông mua được nhà, lập cửa hàng bán phụ tùng, sản xuất khung xe đạp, mua bán vải tại Chợ Đầm, thành phố Nha Trang. Năm 1980, ông đem theo một số vàng, ngoại tệ, hột xoàn tính vượt biên ra nước ngoài lập nghiệp nhưng không thành. Ông bị bắt tại Bình Đại, tỉnh Bến Tre, lại phải vào trại cải tạo và trắng tay. Ông hạ quyết tâm cải tạo tốt để sớm được sum họp gia đình.
Về TP Hồ Chí Minh, ông làm lại cuộc đời bằng một cửa hiệu buôn bán quần áo thời trang nhỏ tại Quận 3. Sau đó phát triển thành chuỗi cửa hàng thời trang tại nhiều quận khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ông còn lập thêm các hiệu thuốc tây tại các Quận 1, 3 và 10. Khi tiền thu về được nhiều hơn, ông thành lập Quỹ tín dụng Hòa Hưng, lập thêm nhiều chi nhánh, phát triển thêm nghề kinh doanh vàng và có cổ phần lớn tại nhiều ngân hàng, trung tâm tín dụng khác. Quỹ tín dụng Hòa Hưng được chấp nhận cho phép nâng cấp thành Ngân hàng Cổ phần Đại Nam, nhưng ông lại bị loại ra khỏi Hội đồng Quản trị ngân hàng, với lí do từng bị bắt giam về tội vượt biên. Bị loại khỏi cuộc chơi tại Ngân hàng Cổ phần Đại Nam, ông bỗng dưng trở thành tâm điểm, được khối liên kết tài chính, ngân hàng ngoài quốc doanh tín nhiệm bầu ông làm Chủ tịch.
Thời điểm này, ông bỏ hết công sức, tiền bạc để giúp các thành viên trong khối giải quyết hết các rủi ro tồn đọng và phát triển, trong đó có việc sáp nhập 2 quỹ tín dụng Phú Đông và Thống Nhất để trở thành Ngân hàng Tân Việt ngày nay. Xong việc, ông tự nguyện không lĩnh một đồng lương nào, chỉ nhận lại gần 10kg vàng tiền vốn, quay ra Vũng Tàu lập nghiệp. Sau một thời gian giúp đỡ Quỹ tín dụng Hội Phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, ông bàn với Quỹ tín dụng xin nâng cấp thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Vũng Tàu (VCSB), chính thức khai trương tại TP Vũng Tàu ngày 9/10/1991.
Sau đó, ông lập Công ty Lê Hoàng để triển khai kinh doanh các tài sản thu nợ. Đồng thời VCSB cũng lập Dự án Khu du lịch Chí Linh, nhưng không được Ngân hàng Nhà nước cho phép, vì đơn vị này không có chức năng làm du lịch. VCSB buộc phải chuyển toàn bộ Dự án kinh doanh Khu du lịch Chí Linh cho Công ty Lê Hoàng, cũng chính là thời điểm khởi nguồn cho vận hạn lớn nhất trong đời của đại gia Lê Ân. Ông bị rơi vào “tầm ngắm” của dư luận, đặt nghi vấn ông lạm quyền, khi chi tới 82 tỉ đồng cho Công ty Lê Hoàng, nơi ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Các cơ quan chức năng và cơ quan điều tra vào cuộc. Và “kịch bản” cuộc đời đại gia Lê Ân đã mở sẵn với vụ án ngoạn mục hiếm thấy dành cho ông.
Rất may, cái kết của chuỗi rủi ro, mà như ông nói là như phim cũng phần nào có hậu. Ra tù, ông lại bắt đầu hành trình khôi phục lại những gì đã mất, bao gồm cả câu chuyện về 5 người đàn bà, những người vợ đến gắn vào số phận của ông để rồi sẵn sàng bỏ ra đi đúng lúc ông hoạn nạn, thậm chí có người còn cuỗm sạch tài sản mà ông gây dựng được. Mặc dù qua ngần ấy thăng trầm, lòng bảo lòng, ông đã tính ở vậy cho đến cuối đời. Thế nhưng tạo hóa khéo sắp đặt, năm 2011 người phụ nữ của đời ông bỗng xuất hiện, đó là cô sinh viên ngành Du lịch Mai Thị Mai, đến làng du lịch Chí Linh xin thực tập. Số trời run rủi, ông đặt thẳng vấn đề muốn lấy Mai làm vợ. Biết ông thật lòng, Mai Mai đồng ý sau khi nhận được sự chấp thuận của gia đình. Năm 2012, khi ông đã ở tuổi 74, họ làm đám cưới khi Mai Mai vừa tròn 20 tuổi. Vợ thứ sáu đối với ông là bến đỗ an lành, là ý Chúa.
Hạnh phúc đến với ông thật ngọt ngào. Sau ngày cưới, ông giao cho vợ quản trị điều hành Làng du lịch Chí Linh và nhiều tài sản lớn khác. Còn ông thì “chưa bao giờ thấy vui như thế này, khi sức khỏe vẫn tráng kiện và tinh thần thì minh mẫn, lạc quan, yêu đời”. Ông bắt đầu xây dựng Quỹ từ thiện Lê Ân, giao cho 7 người trong gia đình, họ tộc thừa kế khối tài sản 2.000 tỉ đồng, nhận trách nhiệm quản lí, kinh doanh sinh lời để phục vụ mục đích làm từ thiện.
Nhìn dáng vẻ sang trọng, đĩnh đạc của ông, khối tài sản khổng lồ ông đang sở hữu và những việc ông làm, ít ai biết được ông cũng xuất thân bần hàn, trong một gia đình nghèo, đông anh em ở Quảng Nam. Từ xuất phát điểm rất thấp ấy, ông đã sớm phải bươn trải, khởi nghiệp chỉ bằng chiếc máy khâu đi thuê. Thế rồi bật lên, trở thành đại gia bằng tốc độ chóng mặt, vượt qua bao lận đận, “bể dâu” từ những nốt trầm trong “bản nhạc cuộc đời”, với phương châm và triết lí sống của riêng ông. Cầu chúc cho ông sẽ được an lành mãi mãi, bằng tình yêu muộn nhưng rất ngọt ngào với người vợ trẻ Mai Mai!
Hoàng Linh
Nguồn tin: nguoicaotuoi.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn